Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

LỊCH SỬ THẾ GIỚI GAME OF THRONES Phần 3b: Valyrian Freehold: Đỉnh Cao - Suy Tàn- Di Sản


LỊCH SỬ THẾ GIỚI GAME OF THRONES
Phần 3b: Valyrian Freehold: Đỉnh Cao - Suy Tàn- Di Sản


Sau khi đánh bại hai đế quốc hùng mạnh Ghiscari và Rhoyne, Valyrian Freehold bước vào thời kì phát triển hưng thịnh. Tại thủ đô Valyria hoa lệ, pháp thuật lên ngôi, những tòa tháp chọc trời vươn cao tới tận thiên đàng, những pho tượng nhân sư đá đen nhìn xuống người người đi lại bằng đôi mắt ngọc hồng lựu, thợ rèn chế ra những thanh kiếm thép bền và sắc đến mức trở thành huyền thoại. Valyrian Freehold không có vua hay hoàng đế, quyền lực tập trung vào tay 40 gia tộc giàu có, danh giá và tài phép, được gọi chung là các Chúa Rồng. Ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Valyria Thượng. Người Valyria đặc biệt giỏi trong lĩnh vực kiến trúc, bởi có lời đồn rằng họ biết cách khiến cho đá hóa lỏng và tạo hình chúng theo ý muốn. Những con đường Valyria (còn gọi là đường rồng) thẳng tắp và rộng thênh thang, bức Tường Thành Đen ở Volantis là chứng tích cho điều này. Người Valyria thu thập hàng ngàn nô lệ nhờ chiến tranh và sử dụng họ để khai thác kim loại quý trong những mỏ quặng nằm sâu bên dưới vùng Thập Tứ Hỏa Diệm. Tại đó nô lệ bị ngược đãi nặng nề và thường xuyên xảy ra bạo loạn, nhưng nhờ phép thuật cao cường, người Valyria luôn trấn áp thành công. Tập tục cho phép người Valyria kết hôn cận huyết, thường là giữa anh chị em ruột, nhằm duy trì dòng máu rồng thiêng thuần chủng.

Tuy nhiên đế quốc nào cũng có lúc suy vong, và Valyria không là ngoại lệ. Rồng và pháp thuật cũng không thể bảo vệ họ khỏi đại họa tuyệt chủng mang tên Ngày Tàn của Valyria. Sử sách ghi rằng vào ngày đó, mọi ngọn đồi trong phạm vi 500 dặm đều nứt vỡ, lấp đầy bầu không khí với khói và bụi tro. Ngọn lửa bốc lên nóng và dữ dội đến mức bao trùm cả những con rồng đang bay trên bầu trời, liếm trụi chúng trong nháy mắt. Những khe nứt khổng lồ mở toang trên mặt đất, nuốt chửng mọi thành quách, đền đài và thị trấn. Nước trong ao hồ sôi sục, núi bùng nổ, những đài phun lửa cao hàng trăm mét phóng dung nham nóng chảy vào không trung. Từ trên trời những đám mây đỏ ối trút xuống những trận mưa đá vỏ chai đen kịt như máu của quỷ dữ. Đất sụp lún và nước đại dương tràn vào nhấn chìm cả thành phố, tạo nên Biển Ngút Khói. Ngoài khơi, một con sóng thần cao cả trăm mét dâng lên, đánh ập vào thành phố Velos trên Đảo Tuyết Tùng, cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người. Toàn bộ đế chế Valyrian Freehold tuyệt diệt dưới tay các vị thần chỉ trong một đêm.

Rất ít cư dân Valyria còn sống sót sau Ngày Tàn. Trong số 40 gia tộc Chúa Rồng từng thống trị Valyria, chỉ duy nhất nhà Targaryen, một gia tộc Chúa Rồng thứ yếu thoát nạn. Nhờ tiểu thư Daenys, con gái lãnh chúa Aenar Targaryen được báo mộng về thảm họa và cảnh báo cha mình, nhà Targaryen cùng các chư hầu và 5 con rồng họ sở hữu đã kịp thời sơ tán tới đảo Dragonstone trước khi thảm họa diễn ra. Sau khi Valyrian Freehold sụp đổ, các thuộc địa ở vùng bờ tây Essos lần lượt tuyên bố chủ quyền, thành lập nên chín Thành Phố Tự Trị, ồ ạt gây chiến chống lại nhau trong suốt một thời kỳ dài. Lịch sử gọi đó là Thế Kỉ Đẫm Máu. Dù bị hủy diệt song văn hóa Valyria vẫn không bị mất đi. Hậu duệ của họ sống tại các Thành Phố Tự Trị và Vịnh Buôn Nô Lệ vẫn sử dụng nhiều ngôn ngữ biến thể từ tiếng Valyria Thượng. Nhiều đồ tạo tác của người Valyria, nhờ thông thương với Bảy Phụ Quốc đã đến tay cư dân Westeros và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đáng kể nhất trong số đó là những thanh kiếm thép Valyria danh bất hư truyền. 100 năm sau thảm họa Ngày Tàn, Aegon Targaryen cùng hai người chị em gái đã chinh phục thành công sáu trong Bảy Phụ Quốc của Westeros. Năm 1 AL, Aegon lên ngôi tại Bến Vua, mở đầu cho triều đại Targaryen tồn tại suốt gần 3 thế kỉ.

Bài sau: Cuộc chinh phạt của Aegon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét